Nội dung chính
Nền kinh tế thị trường đòi hỏi các nhà kinh doanh và đầu tư phải nắm bắt và xử lý thông tin chính xác, kịp thời, nhằm đưa ra những quyết định tối ưu cho mình. Một trong những kênh thông tin luôn thu hút sự quan tâm của các doanh nghiệp là các quy định về hệ thống thuế quan. Xác định trị giá hải quan luôn trở thành một chủ đề được quan tâm hàng đầu trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế. Bởi vì, một mặt, nó góp phần giúp cho cơ quan nhà nước có các phương pháp khắc phục gian lận thương mại qua giá, đảm bảo thu đúng, đủ tiền thuế cho ngân sách nhà nước, mặt khác là công cụ để bảo vệ doanh nghiệp trung thực bằng việc yêu cầu cơ quan hải quan phải chấp nhận xác định trị giá tính thuế là giá nhập khẩu phải thanh toán trong giao dịch.
Trong thương mại quốc tế, việc giao lưu, buôn bán hàng hoá diễn ra theo nhiều phương thức, hình thức đa dạng. Sự đa dạng này làm nảy sinh nhiều vấn đề phức tạp, chưa đạt hiệu quả trong việc xác định trị giá hải quan. Tuy nhiên, việc thiết lập một cơ chế xác định trị giá hải quan là một vấn đề tương đối phức tạp nhưng cần thiết. Do đó, sau đây, hãy cùng Ketoanmvb tìm hiểu những điều cơ bản nhất về trị giá hải quan thông qua bài viết dưới đây.
Trị giá hải quan là gì?
Trị giá hải quan (hay còn gọi là trị giá tính thuế hàng hoá nhập khẩu) là một căn cứ tính thuế nhập khẩu dựa trên cơ sở trị giá của hàng hoá nhập khẩu phù hợp với những dữ liệu khách quan, khoa học được đối tượng nộp thuế và cơ quan nhà nước có thẩm quyền thu thuế xác định và chấp nhận.
Đặc điểm của trị giá hải quan
Dựa vào khái niệm đã nêu ở trên, trị giá hải quan có các đặc điểm sau:
Thứ nhất, trị giá hải quan là hoạt động mang tính kỹ thuật, nghiệp vụ rất sâu sắc. Các quy định về trị giá hải quan thường phản ánh trực tiếp các yếu tố kinh tế và kỹ thuật hình thành nên giá trị hàng nhập khẩu. Các biểu hiện mang tính kỹ thuật thường được hiểu qua ba cấp độ: sự hiện diện của các thuật ngữ kinh tế kỹ thuật, pháp luật về trị giá hải quan chuyển hoá trực tiếp các thông lệ, tập quán thương mại quốc tế vào nội dung quy định của mình, các kỹ thuật mang tính định lượng trong pháp luật trị giá hải quan được quy định rất đa dạng.
Thứ hai, pháp luật về trị giá hải quan có xu hướng hội tụ và chuẩn mực quốc tế về xác định trị giá hải quan tính thuế như sau: xác định theo định nghĩa trị giá theo hiệp định GATT và xác định giá riêng biệt của quốc gia.
Các phương pháp xác định trị giá hải quan
Theo pháp luật Việt Nam, phương pháp xác định trị giá hải quan của hàng hoá nhập khẩu được xác định lần lượt theo 6 phương pháp. Các phương pháp này phải được áp dụng theo trình tự bắt buộc từ phương pháp 1 đến phương pháp 6 và dừng lại ở phương pháp phù hợp.
Phương pháp trị giá giao dịch
Phương pháp trị giá giao dịch được quy định tại điều 1 của Hiệp định GATT và điều 6 Thông tư 39/2015/TT-BTC quy định về trị giá hải quan đối với hàng hoá xuất nhập khẩu: “Trị giá giao dịch là giá thực tế đã thanh toán hay sẽ phải thanh toán cho hàng hoá nhập khẩu sau khi đã được điều chỉnh theo quy định”. Đây là phương pháp đầu tiên, quan trọng nhất và được sử dụng chủ yếu để xác định trị giá hải quan cho hàng hoá xuất nhập khẩu.
Mặc dù phương pháp này đơn giản và dễ áp dụng nhưng khi áp dụng phương pháp này cần hiểu rõ khái niệm, bản chất và nội dung các yếu tố cấu thành trong trị giá như khái niệm trị giá giao dịch, giá thực thanh toán hay sẽ thanh toán, các khoản chiết khấu, các khoản thanh toán gián tiếp, các khoản được khấu trừ trong trị giá giao dịch,…
Yếu tố quan trọng đầu tiên khi xem xét áp dụng phương pháp này là bản dịch của giao dịch, trị giá tính thuế sẽ là trị giá giao dịch. Tuy nhiên, trị giá giao dịch bao gồm giá ghi trên hoá đơn và tất cả các khoản thanh toán khác có liên quan đến lô hàng và các mối quan hệ giữa bên xuất khẩu và bên nhập khẩu có gây ảnh hưởng đến trị giá giao dịch của lô hàng đó hay không.
Phương pháp trị giá giao dịch là phương pháp cơ bản để xác định trị giá tính thuế cho hàng hoá nhập khẩu. Tuy nhiên, sử dụng phương pháp này khó tính chính xác, trung thực của trị giá khai báo vì gian lận thường xảy ra thông qua phương páp này để giảm giá khai báo hoặc tăng trị giá khai báo để trốn thuế.
Phương pháp trị giá giao dịch của hàng hoá nhập khẩu giống hệt
Hàng hoá nhập khẩu vào Việt Nam nếu không xác định được trị giá tính thuế theo phương pháp trị giá giao dịch thì trị giá tính tuế là trị giá giao dịch của hàng hoá nhập khẩu giống hệt.
Theo điều 15 Hiệp định GATT thì hàng hoá giống hệt là những hàng hoá giống nhau về mọi phương diện, đáp ứng các tiêu chí so sánh đặt ra về tính chất vật lý, chất lượng sản phẩm và danh tiếng thương mại. Những khác biệt nhỏ, bề ngoài không ảnh hưởng tới việc xác định các hàng hoá đó là mặt hàng giống hệt.
Khi xác định hàng háo giống hệt, có một số yếu tố liên quan đến tính chất vật lý của hàng hoá nhưng không được xem xét. Hàng hoá phải đáp ứng đầy đủ những tiêu chí nêu trên nhưng tồn tại một số khác biệt nhỏ, bề ngoài cũng được chấp nhận là hàng hoá giống hệt. Ngược lại, nếu có những khác biệt nhỏ song lại ảnh hưởng tới trị giá hàng hoá thì hàng hoá đó không được coi là hàng hoá giống hệt.
Phương pháp xác định trị giá tính thuế theo trị giá hàng hoá tương tự
Phương pháp này được áp dụng trong trường hợp không thể tìm được hàng hoá giống hệt hoặc có mặt hàng giống hệt nhưng lô hàng không đủ điều kiện áp dụng phương pháp trị giá giao dịch cho mặt hàng giống hệt thì trị giá tính thuế là trị giá giao dịch của mặt hàng tương tự nhập khẩu.
Phương pháp này là sự thay thế hàng hoá giống hệt bằng hàng hoá tương tự. Khi áp dụng phương pháp này rất khó cho việc định lượng hàng hoá giống hệt, phương pháp này ít phụ thuộc vào yếu tố chủ quan của cơ quan hải quan và doanh nghiệp nhằm loại trừ những nhận định thiếu tính khách quan trong quá trình xác định trị giá tính thuế.
Để xem xét hàng hoà được coi là tương tự có các đặc điểm nhận biết như: hàng hoá phải giống nhau về tính chất vật lý, cùng vật liệu cấu thành hay hợp thành hàng hoá, có thể thay thế nhau về mặt thương mại…Bên cạnh đó cần xem xét đến yếu tố chất lượng, thiết kế mỹ thuật, nhãn hiệu của hàng hoá. Hàng hoá sẽ không được coi là hàng hoá tương tự nếu chúng không được sản xuất trong cùng một nước với lô hàng cần được xác định trị giá.
Điểm nhận biết đáng kể nhất giữa phương pháp trị giá giao dịch của hàng hoá giống hệt và phương pháp trị giá giao dịch của hàng hoá tương tự là ở khái niệm. Nội dung cơ bản của phương pháp trị giá giao dịch của mặt hàng tương tự nhập khẩu là tìm kiếm giá trị giao dịch của hàng hoá tương tự làm cơ sở xác định trị giá tính thuế cho hàng hoá nhập khẩu cần xác định giá. Do vậy, áp dụng phương pháp này đồng nghĩa với việc xác định được hàng hoá tương tự thoả mãn điều kiện như quy định.
Phương pháp xác định trị giá tính thuế theo trị giá khấu trừ của hàng hoá nhập khẩu
Nội dung cơ bản của phương pháp khấu trừ là từ giá bán của chính lô hàng nhập khẩu trên thị trường nội địa nước nhập khẩu, hoặc hàng hoá nhập khẩu khác là hàng hoá giống hệtm hay hàng hoá tương tự với hàng hoá nhập khẩu, sử dụng mức giá bán đó khấu trừ đi các chi phí phát sinh sau khi nhập khẩu đến khi bán hàng và một khoản lãi hợp lý của người nhập khẩu để tìm ra trị giá tính thuế của lô hàng nhập khẩu.
Điểm b, khoản 2 điều 10 Thông tư 39/2015/TT-BTC quy định: “giá bán hàng hoá nhập khẩu là giá bán thực tế của hàng hoá đó tại thị trường Việt Nam. Trường hợp không có giá bán thực tế của hàng hoá nhập khẩu cần xác định trị giá hải quan thì lấy giá bán thực tế của hàng hoá nhập khẩu giống hệt hay hàng hoá nhập khẩu tương tự còn nguyên trạng như khi nhập khẩu được bán trên thị trường Việt Nam để xác định giá bán thực tế.” Khi hàng hoá nhập khẩu được chào bán trên thị trường nội địa, mức giá đó bao gồm toàn bộ chi phí mà người mua phải trả cho người bán, các chi phí phát sinh từ nhập khẩu đến khi bán hàng và một khoản lãi hợp lý cho người nhập khẩu. Để xác định được những chi phí khấu trừ phải sử dụng hệ thống “Các nguyên tắc kế toán được chấp nhận chung” là những nguyên tắc kế toán đã được pháp luật quy định.
Khi xác định trị giá tính thuế theo phương pháp trị giá khấu trừ phải căn cứ vào mức giá bán của hàng hoá nhập khẩu hoặc hàng hoá nhập khẩu giống hệt hay tương tự được bán tại Việt Nam vào cùng thời điểm hoặc cùng kì với lô hàng nhập khẩu cần phải xác định trị giá.
Phương pháp xác định trị giá tính thuế theo trị giá tính toán
Theo trình tự áp dụng, phương pháp trị giá tính toán sẽ được sử dụng khi không thể xác định trị giá tính thuế theo 4 phương pháp trên. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, nếu có đủ căn cứ, người nhập khẩu có thể yêu cầu cơ quan hải quan sử dụng phương pháp này trước khi thử phương pháp trị giá khấu trừ.
Phương pháp trị giá tính toán là phương pháp xác định trị giá tính thuế của hàng hoá dựa trên các chi phí liên quan đến việc sản xuất và bán hàng để xuất khẩu đến nước nhập khẩu. Trong khi sử dụng phương pháp này, cơ quan hải quan thực hiện xác định trị giá phải tìm được đầy đủ các yếu tố cấu thành của trị giá tính toán dựa trên các thông tin có sẵn, khách quan và định lượng được ở nước nhập khẩu.
Áp dụng phương pháp tính toán, khi xác định trị giá phải tìm kiếm trị giá tính toán của hàng hoá cần xác định trị giá. Theo Hiệp định GATT, trị giá tính toán là tổng các khoản như giá thành các nguyên vật liệu, các khoản chi phí chung, chi phí vận tải,…Vì vậy, để xác định đúng trị giá tính toán của hàng hoá nhập khẩu, đảm bảo xác định đúng số thuế phải nộp của hàng hoá, đòi hỏi xác định trị giá phải đúng với quy định về các nguyên tắc kế toán được chấp nhận chung.
Đây là phương pháp xác định trị giá hải quan hết sức phức tạp, có thể gặp nhiều trở ngại trong quá trình sử dụng. Vì vậy, phương pháp ít được sử dụng và với những nước mới áp dụng Hiệp định GATT, phương pháp này được bảo lưu, không sử dụng trong vòng 3 năm đầu tiên.
Phương pháp suy luận xác định trị giá tính thuế
Phương pháp suy luận hay còn gọi là phương pháp dự phòng được quy định tại điều 7 Hiệp định GATT, được sử dụng khi trị giá tính thuế của hàng hoá nhập khẩu không thể xác định được sau khi áp dụng lần lượt 5 phương pháp trên. Bản chất của phương pháp này là cho phép sử dụng các cách thức xác định trị giá hợp lý, nhất quán với nguyên tắc và quy định chung của Hiệp định GATT, trên cơ sở các thông tin sẵn có nước nhập khẩu.
Phương pháp suy luận là áp dụng tuần tự, linh hoạt các phương pháp xác định trị giá tính thuế và dừng ngay tại phương pháp xác định trị giá tính thuế, với điều kiện việc áp dụng đó phù hợp với các quy định của pháp luật và phải dựa vào các tài liệu, thông tin sẵn có tại thời điểm xác định trị giá tính thuế.
Áp dụng phương pháp suy luận không được sử dụng để tính thuế các trị giá như: giá bán trên thị trường nội địa nước xuất khẩu, gía bán hàng hoá để xuất khẩu đến một nước khác, giá bán trên thị trường nội địa của hàng hoá cùng loại đã được sản xuất tại Việt Nam, các chi phí sản xuất hàng hoá, trừ chi phí sản xuất hàng hoá nhập khẩu, giá tính thuế tối thiểu, các loại giá giả định, hệ thống xác định trị giá cho phép sử dụng trị giá cao hơn trong hai trị giá thay thế để làm trị giá tính thuế…Như vậy, phương pháp suy luận được áp dụng khi: không có giao dịch bán hàng để xuất khẩu hoặc giao dịch đó không hoàn toàn là giao dịch bán hàng để xuất khẩu, không có hàng hoá giống hệt hoặc hàng hoá tương tự, hàng hoá không được bán tại nước nhập khẩu, người sản xuất không biết hoặc từ chối cung cấp các số liệu về chi phí liên quan đến sản xuất và bán hàng hoá nhập khẩu,…
Trên thực tế, ít khi phải sử dụng đến phương pháp suy luận để xác định trị giá tính thuế.
Vấn đề xác định chính xác trị giá hải quan cần sự phối hợp giữa cơ quan hải quan và người nhập khẩu, người nhập khẩu cần có kiến thức đầy đủ về pháp luật và các quy định về việc xác định trị giá hải quan.
Trên đây là những chia sẻ của Kế Toán MVB về trị giá hải quan và các phương pháp xác định trị giá hải quan. Nếu như có bất kì thắc mắc nào liên quan vấn đề này, xin hãy liên hệ với chúng tôi tại:
- Cơ sở 1: Phòng 106 – Nhà A13 – Đường 800A – Nghĩa Đô – Cầu Giấy – Hà Nội
- Cơ sở 2: Số 7, lô D9 – KĐT Geleximco – Đường Lê Trọng Tấn – Hà Đông – Hà Nội
- Hotline: 0965 900 818
- Email: ketoanmvb@gmail.com
- Facebook: https://www.facebook.com/ketoanmvb/