Nội dung chính
Quy định về thanh tra thuế theo Luật quản lý thuế 2019 như thế nào? Các trường hợp thanh tra thuế? Thời hạn thanh tra thuế? Tất cả sẽ có trong bài viết dưới đây của Kế Toán MVB như sau:
Các trường hợp thanh tra thuế
Theo Điều 113 Luật quản lý thuế 2019 thì có 4 trường hợp sau đây:
1. Khi có dấu hiệu vi phạm pháp luật về thuế.
2. Để giải quyết khiếu nại, tố cáo hoặc thực hiện các biện pháp phòng, chống tham nhũng.
3. Theo yêu cầu của công tác quản lý thuế trên cơ sở kết quả phân loại rủi ro trong quản lý thuế.
4. Theo kiến nghị của Kiểm toán nhà nước, kết luận của Thanh tra nhà nước và cơ quan khác có thẩm quyền.
Xem thêm:
Tăng mức phạt vi phạm hành chính về thủ tục thuế
Trường hợp nào được áp thuế suất 0% khi tính thuế GTGT
Thời hạn tuân thủ thuế năm 2022
Những vấn đề liên quan đến việc nộp thuế của NNT
Quyết định thanh tra thuế
Theo Điều 114 Luật quản lý thuế 2019 quy định như sau:
– Thủ trưởng cơ quan quản lý thuế các cấp có thẩm quyền ra quyết định thanh tra thuế.
– Quyết định thanh tra thuế phải có các nội dung chính sau đây:
-
- Căn cứ pháp lý để thanh tra thuế;
- Đối tượng, nội dung, phạm vi, nhiệm vụ thanh tra thuế;
- Thời hạn tiến hành thanh tra thuế;
- Trưởng đoàn thanh tra thuế và các thành viên của đoàn thanh tra thuế.
– Chậm nhất là 03 ngày làm việc kể từ ngày ký, quyết định thanh tra thuế phải được gửi cho đối tượng thanh tra.
– Quyết định thanh tra thuế phải được công bố chậm nhất là 15 ngày kể từ ngày ra quyết định thanh tra thuế.
Thời hạn thanh tra thuế
1. Thời hạn thanh tra thuế thực hiện theo quy định của Luật Thanh tra. Thời hạn của cuộc thanh tra được tính là thời gian thực hiện thanh tra tại trụ sở của người nộp thuế kể từ ngày công bố quyết định thanh tra đến ngày kết thúc việc thanh tra tại trụ sở của người nộp thuế.
2. Trường hợp cần thiết, người ra quyết định thanh tra thuế gia hạn thời hạn thanh tra thuế theo quy định của Luật Thanh tra. Việc gia hạn thời hạn thanh tra thuế do người ra quyết định thanh tra quyết định.
Quyền và nghĩa vụ của đối tượng thanh tra thuế
Theo Điều 118 Luật quản lý thuế 2019 quy định như sau:
Quyền của đối tượng thanh tra thuế
Đối tượng thanh tra thuế có các quyền sau đây:
a) Giải trình về những vấn đề có liên quan đến nội dung thanh tra thuế;
b) Khiếu nại về quyết định, hành vi của người ra quyết định thanh tra, trưởng đoàn thanh tra, thành viên của đoàn thanh tra trong quá trình thanh tra; khiếu nại về kết luận thanh tra, quyết định xử lý sau thanh tra theo quy định của pháp luật về khiếu nại; trong khi chờ giải quyết khiếu nại, người khiếu nại vẫn phải thực hiện các quyết định đó;
c) Nhận biên bản thanh tra thuế và yêu cầu giải thích nội dung biên bản thanh tra thuế;
d) Từ chối cung cấp thông tin, tài liệu không liên quan đến nội dung thanh tra thuế, thông tin, tài liệu thuộc bí mật Nhà nước, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác;
đ) Yêu cầu bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật;
e) Tố cáo hành vi vi phạm pháp luật của thủ trưởng cơ quan quản lý thuế, trưởng đoàn thanh tra thuế và thành viên của đoàn thanh tra thuế theo quy định của pháp luật.
Nghĩa vụ của đối tượng thanh tra thuế
Đối tượng thanh tra thuế có các nghĩa vụ sau đây:
a) Chấp hành quyết định thanh tra thuế;
b) Cung cấp kịp thời, đầy đủ, chính xác các thông tin, tài liệu theo yêu cầu của người ra quyết định thanh tra, trưởng đoàn thanh tra, thành viên của đoàn thanh tra và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác, trung thực của thông tin, tài liệu đã cung cấp;
c) Thực hiện yêu cầu, kiến nghị, kết luận thanh tra thuế, quyết định xử lý của người ra quyết định thanh tra, trưởng đoàn thanh tra, các thành viên của đoàn thanh tra và cơ quan nhà nước có thẩm quyền;
d) Ký biên bản thanh tra.
Kết luận thanh tra thuế
Theo Điều 119 Luật quản lý thuế 2019 quy định cụ thể như sau:
1. Chậm nhất là 15 ngày kể từ ngày nhận được báo cáo kết quả thanh tra thuế trừ trường hợp nội dung kết luận thanh tra phải chờ kết luận chuyên môn của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền, người ra quyết định thanh tra thuế phải có văn bản kết luận thanh tra thuế. Kết luận thanh tra thuế phải có các nội dung chính sau đây:
a) Đánh giá việc thực hiện pháp luật về thuế của đối tượng thanh tra thuộc nội dung thanh tra thuế;
b) Kết luận về nội dung được thanh tra thuế;
c) Xác định rõ tính chất, mức độ vi phạm, nguyên nhân, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm;
d) Xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị người có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật.
2. Trong quá trình ra văn bản kết luận, quyết định xử lý, người ra quyết định thanh tra có quyền yêu cầu trưởng đoàn thanh tra, thành viên đoàn thanh tra báo cáo, yêu cầu đối tượng thanh tra giải trình để làm rõ thêm những vấn đề cần thiết phục vụ cho việc ra kết luận, quyết định xử lý
Trên đây là nội dung bài viết “Quy định về thanh tra thuế theo Luật quản lý thuế 2019” của Kế Toán MVB gửi tới bạn đọc. Mọi thắc mắc, bạn đọc hãy gọi ngay cho Kế Toán MVB để được tư vấn trực tiếp!