Nội dung chính
Sau một thời gian hoạt động, khi công ty đã ổn định và phát triển, các công ty thường có xu hướng mở rộng ngành nghề kinh doanh, tăng vốn điều lệ hoặc mở thêm chi nhánh công ty để mở rộng sự hiện diện của mình trên thị trường. Hôm nay, bạn hãy cùng Kế toán MVB tìm hiểu các khái niệm, định nghĩa cơ bản về chi nhánh là gì, bạn nhé!
Chi nhánh là gì?
Chi nhánh công ty là gì? “Chi nhánh là đơn vị phụ thuộc của doanh nghiệp, có nhiệm vụ thực hiện toàn bộ hoặc một phần chức năng của doanh nghiệp kể cả chức năng đại diện theo ủy quyền. Ngành, nghề kinh doanh của chi nhánh phải đúng với ngành, nghề kinh doanh của doanh nghiệp.” (Trích khoản 1 điều 45 Luật Doanh Nghiệp số 68/2014/QH13)
Vậy, chi nhánh có tư cách pháp nhân hay không?
Căn cứ vào khoản 1, 2 điều 84 Bộ Luật Dân Sự số 91/2015/QH13, thì
“Điều 84. Chi nhánh, văn phòng đại diện của pháp nhân
1. Chi nhánh, văn phòng đại diện là đơn vị phụ thuộc của pháp nhân, không phải là pháp nhân.
2. Chi nhánh có nhiệm vụ thực hiện toàn bộ hoặc một phần chức năng của pháp nhân.”
Như vậy, có thể khẳng định rằng, chi nhánh là 1 đơn vị phụ thuộc của doanh nghiệp và KHÔNG CÓ tư cách PHÁP NHÂN.
Ngành nghề kinh doanh của chi nhánh
Cũng căn cứ vào khoản 1, điều 45 Luật Doanh Nghiệp, chúng ta có thể thấy rằng:
Ngành nghề kinh doanh của chi nhánh sẽ phụ thuộc hoàn toàn vào doanh nghiệp. Chi nhánh có thể đăng ký số lượng ngành nghề ít hơn hoặc bằng với số lượng ngành nghề kinh doanh của công ty. Nhưng tuyệt đối phải đúng với những ngành nghề kinh doanh mà công ty đã đăng ký. Chi nhánh không được đăng ký những ngành nghề mà công ty chưa đăng ký.
Phân biệt chi nhánh độc lập và chi nhánh phụ thuộc
Hiện nay, có 02 hình thức hạch toán thuế đối với chi nhánh đó là hạch toán độc lập và hạch toán phụ thuộc.
- Chi nhánh hạch toán độc lập: là việc chi nhánh sẽ ghi sổ kế toán, tự kê khai, tự quyết toán thuế riêng, độc lập với doanh nghiệp.
- Chi nhánh hạch toán phụ thuộc: là việc chi nhánh chỉ cần tập hợp hóa đơn, chứng từ và gởi về doanh nghiệp. Bộ phận kế toán của doanh nghiệp sẽ tiến hành việc hạch toán, kê khai thuế, quyết toán thuế cho những phát sinh của chi nhánh.
Đăng ký thành lập chi nhánh công ty
Đăng ký tại phòng đăng ký kinh doanh trực thuộc Sở Kế Hoạch Đầu Tư Tỉnh/Thành phố trực thuộc trung ương nơi đặt địa chỉ kinh doanh của chi nhánh. Theo đó, công ty có thể thành lập không giới hạn số lượng chi nhánh tại 1 đơn vị hành chính cấp/tỉnh thành phố.
Hồ sơ và thủ tục thành lập chi nhánh
- Thông báo về việc thành lập chi nhánh (phụ lục II-11)
- Biên bản họp về việc thành lập chi nhánh (Nếu thành lập chi nhánh cho công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn 2 thành viên)
- Quyết định về việc thành lập chi nhánh
- Quyết định bổ nhiệm giám đốc chi nhánh
- 1 Chứng minh nhân dân/Căn cước công dân/Hộ chiếu: Sao y bản chính không quá 3 tháng.
Quyền và nghĩa vụ của chi nhánh công ty
Quyền của chi nhánh:
+ Thuê trụ sở, thuê, mua các phương tiện, vật dụng cần thiết cho hoạt động của chi nhánh.
+ Tuyển dụng lao động là người Việt Nam, người nước ngoài để làm việc tại chi nhánh theo quy định của pháp luật Việt Nam.
+ Giao kết hợp đồng tại Việt Nam phù hợp với nội dung hoạt động được quy định trong giấy phép thành lập chi nhánh và theo quy định của Luật này.
+ Mở tài khoản bằng đồng Việt Nam, bằng ngoại tệ tại ngân hàng được phép hoạt động tại Việt Nam.
+ Chuyển lợi nhuận ra nước ngoài theo quy định của pháp luật Việt Nam.
+ Có con dấu mang tên chi nhánh theo quy định của pháp luật Việt Nam.
+ Thực hiện các hoạt động mua bán hàng hóa và các hoạt động thương mại khác phù hợp với giấy phép thành lập theo quy định của pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
+ Các quyền khác theo quy định của pháp luật.
Nghĩa vụ của chi nhánh
+ Thực hiện chế độ kế toán theo quy định của pháp luật Việt Nam; trường hợp cần áp dụng chế độ kế toán thông dụng khác thì phải được Bộ Tài chính nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam chấp thuận.
+ Báo cáo hoạt động của chi nhánh theo quy định của pháp luật Việt Nam.
+ Các nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.